1./ Tại sao phải chụp phim trong nha khoa:

Chụp phim là một bước rất quan trọng giúp cho Bác sĩ nha khoa đánh giá được những tình trạng của răng và xương mà trên miệng không thể thấy được, chỉ định chụp phim được Bác sĩ đưa ra sau khi thăm khám ngoài mặt và trong miệng cũng như dựa vào lý do đến khám của bệnh nhân đã khai. Từ đó đưa ra chẩn đoán, lập kế hoạch điều trị tối ưu cũng như giải thích về tình trạng bệnh lý cho bệnh nhân.

Có những loại phim chụp trong nha khoa thường được chỉ định như: phim quanh chóp, phim cắn cánh, phim toàn cảnh, phim sọ nghiêng, ConeBeam CT (cắt lớp điện toán chùm tia hình nón), Schuller, Waters, Hirzt, Blondeu…..

2./ Tại sao phải chụp phim ConeBeam CT:

Phim ConeBeam Computed Tomography (CBCT) hay còn gọi là phim cắt lớp điện toán với chùm tia hình nón, cho hình ảnh xương và răng theo ba chiều không gian với độ chính xác cao, hơn hẳn thông tin hình ảnh hai chiều từ các kỹ thuật chụp phim truyền thống.

Phim X quang nha khoa truyền thống sẽ chỉ cung cấp thông tin hình ảnh hai chiều, gây khó khăn trong nhiều trường hợp chẩn đoán nhưng vẫn có giá trị tốt để cung cấp thông tin tình trạng ban đầu của bệnh nhân.

Hình 1. Máy chụp CBCT Galileos Comfort tại Bệnh viện của hãng Dentsply Sirona (Đức)

3./ Phim CBCT có an toàn không

Một phim CBCT chụp có lượng tia khoảng 27-166mSv so với 800-2000mSv của một phim cắt lớp điện toán Y khoa (MSCT) và nhỏ hơn rất nhiều lần lượng tia mà một người bị ảnh hưởng từ phát xạ tự nhiên của môi trường sống (khoảng >1000mSv/1 người/1 năm) nên CBCT khá an toàn khi chụp.

Liều tia đến thai nhi khi chụp CBCT ở phụ nữ đang mang thai chỉ từ 0.09mSv đến 7.79mSv, nhỏ hơn lượng tia xạ tự nhiên mà thai nhi nhận từ môi trường sống nên sẽ an toàn khi chụp phim CBCT, nhất là có kết hợp các biện pháp bảo vệ như cổ chì và băng cổ chì. Các nghiên cứu đã cho thấy lượng tia từ 10mSv đến thai nhi không có nguy cơ gây ung thư cao như các tình trạng ung thư ở trẻ nhỏ (childhood cancer) không do tia xạ. Nguồn tham khảo: cơ quan năng lượng nguyên tử thế giới IAEA (https://www.iaea.org/resources/rpop/health-professionals/dentistry/pregnant-women)

Mỗi máy chụp CBCT sẽ có nhiều kích thước vùng chụp (Field of View-FOV) khác nhau đưa đến lượng tia khác nhau. Bác sĩ sẽ luôn chỉ định vùng chụp nhỏ nhất để giảm tối đa lượng tia cho bệnh nhân.

4./ Những điều cần lưu ý khi chụp CBCT:

Bệnh nhân nên thông báo về tình trạng răng hàm giả hay kim loại có trong miệng với Bác sĩ để bác sĩ có thể chỉ định và hướng dẫn chụp CBCT phù hợp nhằm tránh tình trạng tán xạ hình ảnh khi chụp. Đồng thời báo với bác sĩ tình trạng mang thai (nếu có) để chỉ định chụp bảo vệ toàn bộ với áo chì.

Bệnh nhân có thể được yêu cầu tháo các phục hình răng giả tháo lắp hay khuyên tai, vòng cổ, kẹp tóc trong khi chụp để tránh nhiễu ảnh.

Bài viết tương tự
Ứng dụng của CBCT trong nha khoa

a. Phát hiện bệnh lý xương hàm: CBCT giúp các BS phẫu thuật hàm mặt phát hiện, chẩn đoán, đánh ...