3 Giải pháp hiệu quả cho người bị mất răng

Tin tức - Thông báo Ngày đăng: 04/10/2024

Việc bị mất răng không chỉ ảnh hưởng đến vẻ ngoài mà còn gây nhiều khó khăn trong việc ăn nhai, từ đó tác động tiêu cực đến sức khỏe răng miệng và cuộc sống thường ngày. Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn tìm hiểu về những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất răng, những hậu quả không mong muốn đi kèm, cũng như các giải pháp hiệu quả, được chia sẻ bởi Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM.

1. Nguyên nhân bị mất răng

Nguyên nhân bị mất răng có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, bao gồm cả các vấn đề về sức khỏe răng miệng và những tác động từ bên ngoài. 

Các nguyên nhân mất răng phổ biến
Các nguyên nhân mất răng phổ biến

Sâu răng 

Sâu răng là một vấn đề răng miệng thường gặp, xảy ra khi vi khuẩn trong mảng bám tấn công và làm hỏng lớp men răng, tạo ra các lỗ sâu nhỏ. Nếu không điều trị sớm, tình trạng này có thể nặng thêm, lan đến tủy răng và dẫn đến nhiều biến chứng như đau nhức, nhiễm trùng, thậm chí có nguy cơ bị mất răng

Các tổn thương khác gây mất mô cứng của răng

Có nhiều tổn thương có thể dẫn đến mất mô cứng của răng, và nếu không được điều trị kịp thời, chúng có thể gây ra viêm tủy và cuối cùng dẫn đến bị mất răng. Các tổn thương bao gồm:

  • Mòn răng: Có thể do sinh lý hoặc bệnh lý, với các nguyên nhân như khớp cắn sai lệch, nghiến răng, hoặc đánh răng quá mạnh. Ngoài ra, mòn răng cũng có thể do tiếp xúc với vật cứng hoặc mòn do hóa chất.
  • Mòn hóa học: Gây ra bởi việc tiếp xúc với các hóa chất như axit, khí ga hoặc trào ngược dạ dày, hay trong các công việc liên quan đến ắc quy.
  • Tiêu cổ răng: Xảy ra khi răng bị xoay trục hoặc cắn lệch, gây mất mô răng ở vùng cổ răng.
  • Rối loạn phát triển răng: Có thể do nhiễm khuẩn hoặc tổn thương làm rối loạn quá trình phát triển của men răng.
  • Nứt vỡ răng: Do các chấn thương gây ra.
  • Tiêu chân răng: Xảy ra khi răng bị tổn thương, tiếp xúc với nhiệt độ cao hoặc do viêm tủy kéo dài.

Viêm quanh răng

Viêm quanh răng (viêm nha chu) là một bệnh lý kéo dài gây suy giảm cấu trúc hỗ trợ răng như lợi, dây chằng và xương ổ răng. Bệnh này tiến triển theo từng giai đoạn và nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến bị mất răng. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng ăn nhai và vẻ thẩm mỹ của người bệnh, từ đó làm suy giảm chất lượng cuộc sống.

Chấn thương

Tai nạn hoặc chấn thương trong cuộc sống hàng ngày, như trong các môn thể thao hoặc khi di chuyển, có thể gây ra mất răng. Chấn thương mạnh có thể làm ảnh hưởng đến cấu trúc của răng và xương hàm, dẫn đến tổn thương nặng nề.

Thiếu răng bẩm sinh

Thiếu răng bẩm sinh là một tình trạng di truyền hiếm gặp, đặc trưng bởi việc không có một số hoặc toàn bộ răng ngay từ khi sinh ra. Nguyên nhân thường do di truyền, mầm răng vĩnh viễn không hình thành, mầm răng mọc ngầm hoặc trường hợp mầm răng bị nhổ nhầm từ nhỏ.

Răng bị nhổ do bệnh lý

Trong một số trường hợp, bệnh lý như u hoặc nang xương hàm phát triển có thể gây áp lực lên răng và xương, làm răng di chuyển hoặc mất đi. Để ngăn ngừa tình trạng lan rộng của u, nang, bác sĩ thường phải nhổ bỏ răng liên quan.

2. Bị mất răng có mấy loại ? 

Đây là câu hỏi nhiều người đặt ra khi gặp phải tình trạng bị mất răng. Tùy vào mức độ và số lượng răng bị mất, tình trạng mất răng có thể được phân loại thành nhiều nhóm khác nhau.

Mất răng từng phần

Các trường hợp mất răng từng phần
Các trường hợp mất răng từng phần

Mất răng từng phần, hay còn gọi là bị mất răng bán phần, là tình trạng mất một hoặc nhiều răng trên một hoặc cả hai hàm. Tình trạng này có thể phân thành bốn loại chính, dựa theo hệ thống phân loại Kennedy, một phương pháp phân loại được Dr. Edward Kennedy phát triển vào năm 1925. Phân loại này giúp đơn giản hóa việc hình dung và xử lý các trường hợp mất răng từng phần:

  • Loại I: Mất răng ở cả hai bên hàm, với khoảng trống nằm phía sau các răng còn lại.
  • Loại II: Mất răng ở một bên, với khoảng trống nằm phía sau các răng còn lại.
  • Loại III: Mất răng ở một bên hàm, nhưng vẫn còn răng ở cả phía trước và phía sau khoảng trống.
  • Loại IV: Khoảng trống nằm ở hai bên đường giữa hàm, không có sự gián đoạn, nghĩa là không còn răng nào ở khoảng trống, và khu vực này nằm phía trước các răng còn lại.

Ngoài ra, có hai loại bổ sung:

  • Loại V: Mất răng ở một bên, nhưng răng gần khoảng trống phía trước không đủ sức để đóng vai trò trụ chính hỗ trợ phục hình.
  • Loại VI: Khoảng trống có răng gần đó hỗ trợ tốt cho quá trình phục hình.

Bên cạnh phân loại Kennedy, Kourliandsky cũng đưa ra một hệ thống phân loại mất răng toàn phần, dựa vào số điểm chạm còn lại giữa các răng:

  • Loại I: Vẫn còn ít nhất ba điểm chạm giữa các răng.
  • Loại II: Còn lại hai điểm chạm.
  • Loại III: Có nhiều răng nhưng không có điểm chạm giữa các răng.

Dựa trên các phân loại này, bác sĩ có thể đánh giá tình trạng mất răng của bệnh nhân để đề xuất phương pháp phục hình răng phù hợp.

Mất răng toàn bộ

Bị mất răng toàn bộ là tình trạng mất hết răng trên một hoặc cả hai hàm, hay còn gọi là mất răng toàn hàm. Tình trạng này thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và không thể tự phục hồi do răng vĩnh viễn không thể mọc lại. Mất răng toàn bộ không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tổng thể và tâm lý của người bệnh mà còn kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác

3. Bị mất răng nghiêm trọng như thế nào? 

Việc bị mất răng không chỉ ảnh hưởng đến khả năng ăn nhai mà còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn bạn tưởng. Từ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quát, thẩm mỹ khuôn mặt cho đến những vấn đề tâm lý, mất răng có thể làm thay đổi đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách.

 

  • Giảm khả năng nhai, ảnh hưởng tiêu hóa: Khi bị mất răng, các khoảng trống trên cung hàm khiến việc nhai khó khăn hơn. Thức ăn không được nghiền kỹ trước khi nuốt, gây khó tiêu, khiến dạ dày phải làm việc quá sức. Về lâu dài, điều này có thể dẫn đến tổn thương dạ dày, gây đau và các vấn đề tiêu hóa. Đặc biệt ở người lớn tuổi, mất răng nhiều có thể làm cơ thể suy nhược, chán ăn, giảm cân và lão hóa nhanh hơn.
  • Ảnh hưởng sở thích ăn uống: Mất răng không chỉ làm thay đổi khả năng nhai mà còn ảnh hưởng đến thú vui ăn uống. Việc chán ăn dễ dẫn đến sụt cân và tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất.
  • Tiêu xương hàm: Khi răng bị mất, lực nhai không còn tác động lên xương hàm, dẫn đến tình trạng tiêu xương. Nếu không điều trị sớm, việc tiêu xương nghiêm trọng có thể cản trở quá trình phục hồi răng, đòi hỏi các phẫu thuật ghép xương phức tạp.
  • Xô lệch răng và sai khớp cắn: Khi răng bị mất, các răng kế bên sẽ có xu hướng dịch chuyển, gây sai lệch khớp cắn. Điều này có thể khiến răng đối diện bị trồi hoặc tụt, gây đau khi ăn nhai và làm thay đổi cấu trúc hàm.
  • Hóp má và lão hóa sớm: Việc bị mất răng lâu ngày gây tiêu xương hàm, làm má hóp và da mặt chảy xệ, khiến khuôn mặt trông già trước tuổi. Các nếp nhăn xung quanh miệng cũng xuất hiện sớm hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngoại hình.
  • Ảnh hưởng các răng lân cận: Khi một răng mất đi, các răng xung quanh mất điểm tựa và dễ bị dịch chuyển, khiến việc nhai trở nên khó khăn. Đồng thời, đau nhức vùng hàm, thái dương và cơ cổ cũng có thể xuất hiện do sự lệch lạc này.
  • Đau đầu và đau cơ vùng cổ-vai: Mất răng gây mất cân bằng lực nhai, dẫn đến áp lực không đều trên các răng còn lại. Điều này có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh quanh hàm, gây đau đầu, đau vùng cổ vai, và thậm chí là rối loạn khớp thái dương hàm.
  • Mất thẩm mỹ: Mất răng cửa khiến người bệnh tự ti trong giao tiếp, khi nụ cười lộ ra khoảng trống lớn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn có thể tác động tiêu cực đến công việc và cuộc sống.
  • Khó khăn trong phát âm: Bị mất răng, đặc biệt là răng cửa, làm cản trở việc phát âm, khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc nói rõ từ và có thể nói ngọng.
  • Loạn khớp thái dương hàm do dây thần kinh bị ảnh hưởng: Răng mất đi làm thay đổi cấu trúc khớp cắn, gây sai lệch khớp thái dương hàm. Điều này không chỉ gây đau nhức mà còn ảnh hưởng đến các cơ vùng cổ, vai và gáy, làm cho việc vận động trở nên khó khăn hơn.

 

4. giải pháp hiệu quả cho người bị mất răng 

Khi gặp phải tình trạng mất răng, việc trồng răng mới là lựa chọn tối ưu để ngăn ngừa các rủi ro và biến chứng có thể xảy ra. Hiện nay, có ba kỹ thuật trồng răng giả phổ biến được nhiều người tin tưởng sử dụng, bao gồm: hàm giả tháo lắp, cầu răng sứ và cấy ghép Implant. Chi tiết như sau:

Giải pháo hiệu quả cho người bị mất răng
Giải pháo hiệu quả cho người bị mất răng

Cấy ghép răng Implant

Cấy ghép răng Implant là phương pháp tiên tiến nhất, được áp dụng cho những trường hợp mất một, nhiều răng hoặc thậm chí mất toàn bộ răng trên cung hàm. Kỹ thuật này sử dụng trụ Implant bằng titan cấy trực tiếp vào xương hàm tại vị trí mất răng, thay thế chân răng tự nhiên. Sau đó, một mão răng sứ sẽ được lắp lên trụ Implant, tạo ra răng mới có thẩm mỹ và chức năng như răng thật.

Trong các trường hợp mất toàn bộ răng, bác sĩ thường khuyến nghị kỹ thuật cấy ghép Implant All on 4 hoặc All on 6. Phương pháp này sử dụng 4 hoặc 6 trụ Implant để nâng đỡ cả hàm răng giả. Răng mới được thiết kế tự nhiên với hình dáng và màu sắc giống răng thật, mang lại hiệu quả cao và tiết kiệm chi phí.

Ưu điểm 

Phương pháp trồng răng Implant hiện nay được đánh giá là giải pháp tối ưu nhất khi bị mất răng nhờ vào các ưu điểm nổi bật:

  • Chức năng ăn nhai và thẩm mỹ: Răng giả Implant đạt gần như 100% khả năng ăn nhai và thẩm mỹ như răng thật, mang lại sự tự nhiên và thoải mái.
  • Vệ sinh dễ dàng: Việc chăm sóc và vệ sinh răng miệng với răng Implant đơn giản, tương tự như chăm sóc răng thật.
  • Ngăn ngừa tiêu xương và lão hóa khuôn mặt: Implant giúp duy trì khối lượng xương hàm và ngăn ngừa sự lão hóa khuôn mặt do mất xương.
  • Tính độc lập: Răng Implant không yêu cầu xâm lấn các răng kế cận, đảm bảo không ảnh hưởng đến chúng.
  • Ứng dụng linh hoạt: Phương pháp này phù hợp với mọi trường hợp mất răng.
  • Bền bỉ lâu dài: Một khi được cấy ghép, răng Implant có thể sử dụng trọn đời, giúp bạn tiết kiệm chi phí và thời gian.

Nhược điểm

Yêu cầu về sức khỏe: Người bệnh cần có sức khỏe tốt và đáp ứng đủ điều kiện của bác sĩ để thực hiện cấy ghép Implant.

  • Chi phí cao: Cấy ghép răng Implant có chi phí tương đối cao, điều này có thể là một yếu tố cần cân nhắc khi lựa chọn phương pháp này.

Làm cầu răng sứ

Cầu răng sứ là một giải pháp phổ biến để phục hồi khi bị mất răng, bao gồm ít nhất ba răng sứ gắn liền với nhau và được cố định trên các trụ răng thật bằng keo nha khoa. Để lắp đặt cầu răng, hai răng ở hai bên răng bị mất thường được mài một phần để tạo thành trụ cho cầu. Dưới đây là những ưu điểm và nhược điểm của phương pháp này:

Ưu điểm

  • Tính thẩm mỹ cao: Cầu răng sứ mang lại một hàm răng đều đẹp và tự nhiên.
  • Chức năng ăn nhai đảm bảo: Giúp phục hồi khả năng nhai thức ăn như răng thật.
  • Quy trình nhanh chóng: Thời gian thực hiện thường chỉ từ 1 đến 3 ngày.
  • Chi phí hợp lý: So với cấy ghép Implant, cầu răng sứ có chi phí thấp hơn.

Nhược điểm

  • Cần mài răng trụ: Để lắp cầu răng, các răng liền kề cần được mài để làm trụ cho cầu sứ.
  • Yêu cầu răng trụ chắc chắn: Phương pháp này chỉ hiệu quả khi hai răng kế cận vẫn còn khỏe mạnh.
  • Không ngăn chặn tiêu xương: Cầu răng sứ không giúp ngăn chặn tình trạng tiêu xương hàm hay tụt nướu.
  • Chi phí đầu tư: Mặc dù thấp hơn Implant, nhưng vẫn cần một khoản đầu tư đáng kể.

Làm hàm tháo lắp

Hàm tháo lắp là phương pháp truyền thống thích hợp cho người cao tuổi hoặc những người không đủ sức khỏe xương hàm để thực hiện cấy ghép Implant hay làm cầu răng sứ khi bị mất răng. Phương pháp này có một số ưu điểm và nhược điểm như sau:

Ưu điểm

  • Chi phí thấp: Là một trong những lựa chọn rẻ hơn.
  • Thực hiện nhanh chóng: Có thể hoàn thành trong khoảng thời gian từ 3 đến 7 ngày.

Nhược điểm

  • Khả năng ăn nhai hạn chế: Hiệu quả nhai chỉ đạt từ 40% đến 60% so với răng thật, không thể nhai thức ăn cứng.
  • Dễ gặp sự cố: Hàm tháo lắp có thể dễ dàng bị rơi hoặc không ổn định khi ăn uống và giao tiếp.
  • Nguy cơ mùi hôi miệng: Có thể bị kẹt thức ăn gây mùi hôi.
  • Phải tháo ra vệ sinh: Cần phải tháo ra để vệ sinh hàng ngày, gây bất tiện.
  • Tiêu xương nhanh chóng: Hàm tháo lắp không ngăn chặn được tiêu xương, dẫn đến lão hóa khuôn mặt, hóp má và da nhăn nheo.
  • Độ bền hạn chế: Thời gian sử dụng thường từ 3 đến 5 năm

Bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin quan trọng về nguyên nhân, hậu quả và các giải pháp khi bị mất răng. Để bảo vệ sức khỏe răng miệng, hãy thực hiện chăm sóc đúng cách và thường xuyên thăm khám nha sĩ. Điều này không chỉ giúp ngăn ngừa mất răng mà còn duy trì nụ cười tươi tắn và sức khỏe toàn diện của bạn.