Khi Nào Chúng Ta Cần Tẩy Trắng Răng? (P.1)

Tẩy Trắng Răng Ngày đăng: 30/11/2020

Từ ngàn đời xưa, trong dân gian đã truyền miệng nhau câu nói : “Cái răng, cái tóc là gốc con người”. Quả thật, cho đến ngày nay, câu nói này vẫn còn giữ nguyên ý nghĩa của nó. Một nụ cười trắng sáng, quyến rũ sẽ giúp tăng sự tự tin cho người sở hữu nó và khởi nguồn cho mọi thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau như tuổi tác, nhiễm màu thực phẩm…, nhiều người phải cam chịu bộ răng sậm màu, thiếu thẩm mỹ. Từ khi Tẩy trắng răng ra đời, kỹ thuật này đã nhanh chóng phát triển trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Đây được xem là một phương pháp làm trắng sáng răng đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả, và an toàn để mang tới nụ cười tươi sáng và hàm răng trắng đẹp. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều hiểu rõ cách thức hoạt động và biết cách lựa chọn kỹ thuật và cách tự chăm sóc bộ răng để duy trì kết quả điều trị lâu dài.

I. NGUYÊN NHÂN RĂNG NHIỄM MÀU:
– Màu sắc trắng sáng của bộ răng có được nhờ vào đặc tính phản chiếu ánh sáng của lớp men răng. Tuy nhiên, sau quá trình sử dụng lâu ngày, bề mặt men răng sẽ xuất hiện các đường nứt nhỏ giữa các trụ men và bề mặt men bị mòn dần theo thời gian. Các chất màu sẽ thấm qua các vi nứt này, đồng thời khi lớp men mỏng đi sẽ bị ánh lớp ngà vàng bên dưới rõ hơn và ánh sáng cũng không phản chiếu qua các trụ men như trước. Vì các lý do trên, răng trở nên xỉn màu và mờ đi.
– Các chất nhiễm màu có thể chia thành 2 nhóm: ngoại lai và nội tại.

1.Chất màu ngoại lai: Chất màu ngoại lai là những chất tạo trên bề mặt răng có nguồn gốc từ: thức ăn, thức uống, thuốc lá… Các loại thức uống có màu như trà, cà phê, rượu vang đỏ, nước ép trái cây… đều có thể tạo màu dính lại trên răng. Khi các vết dính này bám trên răng với lượng nhỏ thì các biện pháp chải răng và cạo vôi răng có thể làm sạch được. Tuy nhiên, khi các chất này bám lâu ngày, thấm vào lớp ngà bên dưới thì cần áp dụng phương pháp tẩy trắng răng thì mới có thể mang đến bộ răng trắng sáng được.

2.Chất màu nội sinh: Chất màu nội sinh hình thành từ bên trong răng, do các nguyên nhân:

Răng sậm màu do chấn thương răng,

Hóa chất: việc hấp thu Fluor quá mức trong thời kỳ hình thành răng sẽ gây ra tình trạng nhiễm Fluor trên răng. Khi dùng thuốc Tetracycline trong thời kỳ hình thành mầm răng sẽ gây ra tình trạng răng bị ngã chuyển màu nâu hoặc xám đậm.

Tuổi: các răng sẽ bị xỉn màu theo tuổi.

Di truyền

II. LỰA CHỌN ĐỐI TƯỢNG ĐIỀU TRỊ:
Hầu như tất cả mọi người đều có thể tẩy trắng răng. Tuy nhiên, kết quả điều trị ở mỗi người sẽ khác nhau. Những răng bị sẫm màu do tuổi tác, thuốc lá, trà, thực phẩm có thể đạt kết quả điều trị tốt. Những răng xỉn màu do nhiễm Tetracycline hoặc các hóa chất khác thì ít hiệu quả.
1. Những đối tượng đạt hiệu quả cao khi tẩy trắng răng: Răng tự nhiên bị nhiễm màu vàng, nâu do tuổi tác, hút thuốc lá, thức ăn thức uống sậm màu.
2. Các trường hợp cần thận trọng khi tẩy trắng:

  • Phụ nữ mang thai và người mẹ cho con bú
  • Người bệnh bị tổn thương hệ thống miễn dịch
  • Bệnh nhân cần điều trị hóa/xạ trị
  • Bệnh nhân vệ sinh răng miệng kém.
  • Răng chưa trưởng thành. Trẻ em không nên tẩy trắng răng vì buồng tủy nằm gần bề mặt răng nên răng rất dễ bị kích thích do thuốc tẩy trắng.

3. Những trường hợp ít đáp ứng với thuốc tẩy trắng:

  • Nhiễm màu tetracycline, nhiễm Fluorosis
  • Những răng có màu thuộc nhóm màu C và D (dựa trên bảng so màu răng)
  • Mòn rìa cắn răng cửa
  • Mòn răng cơ học
  • Tụt nướu: nướu răng tụt sẽ bộc lộ bề mặt chân răng và sậm màu. Vùng này không chỉ không trắng mà còn gây nhạy cảm
  • Răng sậm màu do chấn thương răng