Nướu sừng hoá là gì và tại sao chúng ta cần nó?

Nha Chu Ngày đăng: 24/12/2020

Nướu sừng hóa là vấn đề được nhiều bác sĩ chuyên ngành quan tâm, nhưng lại là một khái niệm tương đối trừu tượng với hầu hết bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu hiểu về nướu sừng hóa, có thể giúp giải đáp rất nhiều vấn đề răng miệng bạn gặp phải.

Bệnh nhân có thể gặp phải một số vấn đề như:

  • Sau khi cấy implant, những răng xung quang chiếc “răng” mới này thường xuyên bị viêm nướu dù đã cố gắng vệ sinh rất kỹ?
  • Chiếc implant-răng giả mới làm rất đep nhưng khoảng một năm sau lại bị tụt nướu, lộ mấy vòng ren nhìn không còn đẹp như trước nữa.

Có rất nhiều lý do cho những hiện tượng này, mà thường gặp nhất chính là vì thiếu “nướu sừng hoá”.

 “Nướu sừng hoá” là gì?

Đó là lớp nướu bám gần vào răng nhất, có lớp biểu mô sừng phủ bên trên. Người ta phân biệt nó với các loại niêm mạc khác trong miệng – niêm mạc môi má lưỡi, vốn không có lớp sừng bên trên, kết cấu lỏng lẻo hơn.

Khi bạn nhìn vào nướu. Bạn sẽ thấy một lằn ngang cách cổ răng vài ly, phân giới rõ ràng giữa vùng nướu hồng gần cổ răng và vùng niêm mạc đỏ lỏng lẻo.

Tuỳ cơ địa mỗi người, tuỳ tình trạng bệnh lý mà phần nướu sừng hoá ấy có chiều cao và chiều rộng khác nhau. Nếu phần nướu đó quá ngắn, quá ít, thậm chí ko có thì mảng bám sẽ dễ bám vào hơn, tỷ lệ viêm nướu cao hơn. Niêm mạc cũng chịu co kéo nhiều hơn nướu dính, dẫn đến tình trạng răng- implant dễ bị trụt nướu, thậm chí tiêu mào xương ổ nhiều hơn.

Giải pháp cho việc thiếu nướu sừng hóa?

Một bác sĩ implant – nha chu giàu kinh nghiệm có thể giải quyết vấn đề này cho bạn bằng các phẫu thuật ghép nướu. Bác sĩ sẽ lấy nướu ở một vùng khác (thông thường là ở khẩu cái, có nghĩa là ở vòm họng mặt trong các răng trên), để ghép vào vùng nướu bị thiếu, từ đó làm dày nướu lên, giảm viêm nướu, xóa bỏ các khiếm khuyết thẩm mỹ.

Trước
Sau

Đây chỉ là một tiểu phẫu, không có gì đáng lo ngại. Trong phẫu thuật , bạn sẽ được gây tê nên hầu như không đau. Sau phẫu thuật, trong vài ngày đầu, tùy theo ngưỡng chịu đau của mỗi người mà có thể sẽ có chút khó chịu, vùng nướu hơi rỉ máu. Chỉ cần chăm sóc răng miệng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, vết thương sẽ rất mau lành.

BSCKII. Nguyễn Quang Việt