Những thói quen xấu có hại cho răng miệng ở trẻ (P.1)

Điều Trị Răng Trẻ EmTin tức - Thông báo Ngày đăng: 09/12/2020

Trong vài năm gần đây, khi chất lượng cuộc sống đã tốt lên, ngày càng nhiều phụ huynh quan tâm đến tính trạng Răng mọc lệch lạc của con em mình.

Trẻ nhỏ có nhiều thói quen xấu như mút tay, đẩy lưỡi, thở miệng, cắn môi, chống cằm,… Những thói quen tưởng như đơn giản ấy lại ảnh hưởng lớn thậm chí nghiêm trọng đến sự phát triển của răng và xương hàm của trẻ như cắn hở, răng chen chúc, hô, móm,…. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm và loại bỏ kịp thời các thói quen xấu là vô cùng cần thiết cho trẻ.

1. RỐI LOẠN CƠ CHỨC NĂNG LÀ GÌ?

Rối loạn cơ chức năng là tình trạng hệ thống cơ môi má lưỡi không thực hiện chức năng đúng dẫn đến lệch lạc răng và sự phát triển xương hàm.

Các rối loạn cơ chức năng thường gặp như sau:

1.1 THỞ MIỆNG

Khi thở miệng, lưỡi nằm ở hàm dưới, miệng mở để thở. Vị trí các cơ ở vùng miệng bất thường ngăn cản xương hàm dưới phát triển bình thường. Xương hàm dưới sẽ phát triển xuống dưới và ra sau. Xương hàm trên nhỏ, mặt kém phát triển, răng không đủ chỗ mọc và trở nên chen chúc, lệch lạc.

1.2 ĐẨY LƯỠI

Đẩy lưỡi ra trước khi nuốt là đặt đầu lưỡi về phía trước, chêm giữa các răng cửa trên và dưới lúc nuốt, lúc nói dẫn đến tình trạng cắn hở.

Sự thật thú vị là cơ lưỡi là một trong những cơ khỏe nhất trong cơ thể. Nó có thể tác động một lực 500 gr lên răng, trong khi lực cần để di chuyển răng chỉ 1,7 gr. Vậy lực của lưỡi mạnh gấp gần 300 lần lực để di chuyển răng.

Vì vậy, khi lưỡi nằm thấp ở dưới khi thở, nuốt và nói thì xương hàm trên sẽ bị hẹp không có đủ chỗ cho răng mọc, xương hàm dưới phát triển ra sau và xuống dưới ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của mặt.

1.3 THÓI QUEN XẤU CỦA MÔI

Thói quen xấu của môi như cắn môi, mút môi,..

Cắn môi dưới là thói quen thường gặp nhất. Cắn môi dưới làm cho cắn hở vùng răng trước, răng cửa dưới nghiêng về phía lưỡi, răng cửa trên chen chúc và nghiêng về phía môi.


1.4 MÚT TAY

Trẻ mút tay sẽ làm cho cắn hở vùng răng trước, răng cửa trên thưa và nghiêng về phía môi, răng cửa dưới nghiêng về phía lưỡi. Từ đó dẫn đến đẩy lưỡi khi nuốt.

2. ĐIỀU TRỊ SỚM

Điều trị sớm là điều trị ngay khi bé còn răng sữa trong miệng.

Việc điều trị sớm sẽ ngăn ngừa các vấn đề lệch lạc trở nên trầm trọng hơn và giúp cho việc điều trị chỉnh nha toàn diện sau này rút ngắn thời gian hơn và đơn giản hơn.

Việc điều trị sớm bao gồm:

  • Loại bỏ các thói quen xấu cho trẻ
  • Hướng dẫn xương hàm phát triển đúng
  • Hướng dẫn các răng vĩnh viễn mọc đúng
  • Tạo sự cân bằng các cơ môi, má, lưỡi
  • Giảm nguy cơ chấn thương như gãy răng do các răng cửa quá chìa

Các bậc phụ huynh cần cho bé đi khám ngay khi phát hiện bé có các thói quen xấu kể trên nhằm giúp bé sớm loại bỏ các thói quen xấu, giúp cho răng và xương hàm phát triển bình thường, đồng thời giúp cho việc điều trị chỉnh nha toàn diện sau này đơn giản và nhanh chóng hơn, cũng như cho trẻ có một cuộc sống khỏe mạnh và tự tin khi trưởng thành.

BSCKI. Hứa Kim Thư